“Anh up ảnh cốc nước cũng phải được vài trăm likes.”
Bạn thử đoán xem ai là tác giả của câu nói trên? Sơn Tùng hay Tùng Sơn đây? Không phải, đó là Lê Yên Thanh, nhân vật hot nhất, lắm fame nhất, khủng (thuộc hàng) nhất trong thế giới VNOI chúng ta.
Google từ khóa Lê Yên Thanh, bạn sẽ tìm thấy hàng trăm bài báo lá cải viết về anh ấy. Yên Thanh nổi tiếng với vô số giải thưởng cả về OI, ứng dụng, lẫn những giải chung chung như Nhân tài đất Việt 2015 hay Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2015. Năm 2016, Yên Thanh được thực tập tại Google Mountain View; anh sẽ làm chính thức cho Google vào năm 2017.
“Anh ấy ăn gì mà khủng thế. Mình không thể được như anh ấy đâu.” Có thể bạn đang nghĩ vậy. Nhưng bạn có biết rằng anh ấy cũng là một người thành công đi lên từ VNOI chúng ta. Idol Yên Thanh mới ngày nào vẫn còn là một OI-er ở An Giang, chăm chỉ cày quốc trên VNOJ lên đến nick cam, chinh chiến qua từng trận Codeforces, VNOI Marathon. Anh ấy là một thành viên VNOI nhiệt tình, một admin vui tính. Vậy thì, hãy cùng VNOI Wiki phỏng vấn idol Yên Thanh nhé. Không giống thông tin lá cải trên báo, chúng ta sẽ được hiểu thêm về Yên Thanh theo một phong cách rất VNOI.
1. Được biết anh nổi tiếng với nick Codeforces I_have_many_girlfriends. Vậy anh có thể cho hỏi bí kíp tán gái không?
Tán gái và coding là 2 phạm trù không liên quan nhau, em muốn học thì inbox anh riêng nhé )
2. Anh có thể chia sẻ cảm giác làm người nổi tiếng? Anh có thấy thích thú khi status, ảnh của mình được nhiều likes không?
Anh thấy cũng không có gì khác biệt, anh vẫn cư xử bình thường vậy thôi, ai chơi thân sẽ thấy anh rất bựa là khác. Status với ảnh của mình được nhiều người quan tâm thì tất nhiên là thích rồi
3. Em nghe đồn năm lớp 10 anh đã bắt đầu học giáo trình của MIT, thực hư thế nào?
Giáo trình MIT là giáo trình gì cơ ) lúc đó anh chỉ biết giáo trình DSAP thôi
4. Anh hãy nhận xét về sắc đẹp của anh RR.
Em kiếm chị HY mà hỏi :3
1. Anh hãy chia sẻ kinh nghiệm học code và cày quốc thuật toán của mình? Anh cân bằng việc học code với những thứ khác trong cuộc sống như thế nào?
Thời còn THPT anh chỉ dành 2 tiếng để học thuật toán mỗi tối (thường là từ 8h-10h). Do lịch học ở trường anh khá dày, trường anh ko ưu tiên cho đội tuyển nhiều, HSG QG vẫn phải hoàn thành các môn khác một cách bình thường. Do đó anh chỉ có bấy nhiêu thời gian để học, trừ lúc hè hoặc cuối tuần thì mới học được nhiều hơn.
Ấy thế mà lại tốt, quan trọng là ngày nào anh cũng dành thời gian để học, đúng 2 tiếng rồi nghĩ. Kiến thức được tiếp thu 1 cách từ từ chứ không dồn dập, tích lũy qua ngày chậm mà chắc. Lúc làm anh có cuốn tập để note lại các kinh nghiệm và phương pháp làm hay, cứ từ từ như vậy anh cũng tự học hết được các tài liệu DSAP, tài liệu giáo khoa chuyên tin, các chuyên đề nâng cao, v.v…
Điều quan trọng là phải học từ từ nhưng phải có phương pháp để nắm vững kiến thức. Có nhiều bạn dành rất nhiều thời gian để học nhưng lại quên rất nhanh, thành ra lại không tốt bằng học ít, từng chút một.
Còn về việc học tiếng Anh thì chỉ đơn giản là nhờ anh tập đọc các tài liệu tiếng Anh, tham gia các kì thi tiếng Anh. Dần thì vốn từ của anh cũng được nâng cao lên nhiều, có khả năng đọc hiểu khá tốt. Các trang mà anh cày lúc trước là vnoi.info, usaco.org, spoj.pl, acm.timus.ru, codeforces.com, topcoder.com, codechef.com,... Thường thì khi học 1 chủ đề nào đó xong anh sẽ cố làm thật nhiều bài liên quan trên các trang này, để có thể mở sâu hơn về cái vừa học.
2. Anh học ở An Giang, trong giới Tin học có thể coi là trường làng so với những trường chuyên lớn ở Hà Nội và HCM. Anh có cảm thấy việc ở trong một môi trường nhỏ ảnh hưởng đến cơ hội học tập của mình so với những người ở môi trường lớn? Theo anh, việc tìm một môi trường lớn để học và làm việc có quan trọng bằng việc tự nỗ lực bản thân?
Cái quan trọng không phải là học ở đâu, mà là mình học như thế nào. Anh không bao giờ nghĩ là học ở các trường lớn sẽ lợi thế hơn so với các trường nhỏ. Một học sinh ở Hà Nội hay HCM được giải cao cũng phải bỏ ra sự nỗ lực rất lớn chứ không phải chỉ đơn thuần là do ngôi trường mình học.
Anh nghĩ cái lợi thế duy nhất mà học sinh các trường lớn có được đó là môi trường học tập cạnh tranh, có nhiều học sinh giỏi từ khắp nơi đổ về học chung một lớp. Khi học trong một môi trường cạnh tranh càng cao thì người ta sẽ càng có động lực để phát triển (hoặc ai thiếu ý chí thì tạch luôn). Ví dụ như nếu giờ em học chung lớp với tourist từ nhỏ rồi thì giờ em không bằng 1/2 cũng bằng 1/4 tourist, mà chỉ nhiêu đó thôi là cũng bá rồi )
Còn anh học ở 1 tỉnh vốn không mạnh về tin học, HSG Tin học giải 3 thôi cũng được xem là giỏi lắm rồi, điều quan trọng là anh không nhìn những người cạnh mình mà cố gắng, không thấy mình được giải cao hơn so với các học sinh trong tỉnh là đã giỏi rồi. Anh luôn đặt bản thân mới là người mà anh muốn cạnh tranh, do đó anh không cảm thấy thiệt gì so với các học sinh nơi khác. Cái anh thiếu có lẽ thiếu sự trao đổi với những học sinh giỏi khác để tìm hiểu về cách suy nghĩ và tư duy của họ để bổ sung thêm vào suy nghĩ và tư duy lâu dài của bản thân, mà điều này thì khi lên đại học anh đã có cơ hội làm được rồi.
Tuy là học một mình cũng được nhưng nếu được đi chung với những người giỏi lúc nào cũng sẽ giúp cho mình trưởng thành hơn em ạ. “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng lớn lên rồi, muốn đi xa được thì phải đi cùng nhau, cùng với những người giỏi giống như mình”
3. Em nghe nói năm lớp 12 anh được đánh giá là giỏi nhất trong số các thí sinh vòng 2, được giải nhất vòng 1. Đáng tiếc anh lại không được thi IOI năm đó. Anh có bao giờ cảm thấy tiếc về điều này không? Ngoài ra, anh còn điều gì khác trong cuộc đời anh cảm thấy tiếc nuối?
Cái gì cũng có nguyên nhân của nó em ạ, có thể lúc thi vòng 2 anh không đạt được phong độ như vòng 1. Anh cũng thấy tiếc nhưng nghĩ lại thấy giờ cũng không có gì phải ân hận cả. Quan trọng là sau thất bại đó anh không từ bỏ và vẫn cố gắng theo đuổi đam mê suốt khoảng thời gian đại học tiếp theo và đã đạt lại được một số thành công nhất định như hiện nay.
Điều quan trọng là dù có thất bại cũng không bao giờ từ bỏ. Đôi khi trong cuộc sống ngoài việc học em sẽ còn gặp những việc khó khăn khác làm ta trùng bước. Anh cũng từng gặp những khó khăn như thế và giờ nghĩ lại nếu lúc đó chỉ cần anh bỏ cuộc thôi thì có lẽ tương lai sẽ thay đổi hoàn toàn so với bây giờ rồi. Tuy là anh không bỏ cuộc nhưng cũng đã để những khó khăn đó làm mình hơi trì trệ 1 tí, và cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai hiện giờ, đó là điều mà anh cảm thấy tiếc nuối vì đã đôi lúc nản chí và muốn bỏ hết theo đúng nghĩa đen May mà anh đã không làm vậy
4. Các kiến thức mà anh đã tích lũy được từ VNOI có tầm quan trọng như thế nào trong công việc hiện tại của anh?
Có lẽ đó là những kiến thức về thuật toán. VNOI là một trong những nơi có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới những gì mà anh đạt được hiện nay, có thể nói đó là nơi anh bắt đầu con đường học tập thuật toán của mình. Nhờ nó mà anh không chỉ giỏi về thuật toán mà điều quan trọng là còn phát triển được về tư duy giải quyết vấn đề (problem solving). Đó là một trong những kĩ năng quan trọng nhất mà những công ty lớn như Google, Facebook mong muốn, và nó cũng rất quan trọng cho em trong bất kể việc gì mà em làm trong tương lai sau này.
Nếu bây giờ em học thuật toán mà vẫn thấy chưa có tác dụng, thi HSG Tin vẫn chưa thấy trúng tủ bài nào, thì hãy cứ tiếp tục học tập tại VNOI và những trang thuật toán khác. Chắc chắn sẽ có ngày em nhận ra mình đang giỏi lên và có khả năng giải được các bài toán mà trước đây em không thể giải được. Về xa hơn khi làm việc thì sẽ có lúc những kiến thức thuật toán em học sẽ giúp em giải quyết được các bài toán trong công việc mà em không thể ngờ tới.
5. Em là một học sinh lớp 10 muốn sau này được làm ở Google, Facebook giống anh. Theo anh kĩ năng, tính cách nào là quan trọng nhất để em có thể được như anh?
3 cái quan trọng nhất mà em cần đạt được đó là:
Kiến thức chuyên môn:
Ở đây anh đánh giá, bao gồm thuật toán (50%), kiến thức về máy tính (20%) và về các kĩ thuật (30%).
Thuật toán có thể em chỉ cần biết những thuật toán cơ bản, quan trọng là em cần hiểu kĩ và sâu. Ví dụ như quicksort cài như vậy nhưng nó hoạt động như thế nào, tại sao độ phức tạp lại thấp, nó lại chạy nhanh hơn các thuật toán khác. Việc biết thêm các thuật toán, CTDL nâng cao sẽ là một điểm cộng thêm rất lớn cho em khi được phỏng vấn.
Kiến thức tổng quan về máy tính như em phải hiểu HĐH nó hoạt động ntn, ram, ổ cứng, dữ liệu trên máy tính được lưu ra sao, mạng máy tính hoạt động ra sao..., mấy cái này học ở ĐH sẽ được dạy.
Các kĩ thuật thì có thể em học thêm về Android, iOS, lập trình Web (angularjs, react), lập trình backend (nodejs, aspx,...), và tốt nhất là em có những sản phẩm, dự án làm về những kiến thức kĩ thuật này để show cho người phỏng vấn, đó sẽ những thứ để em ghi điểm lúc phỏng vấn.
Ngoài ra nếu em có kiến thức về làm research thì sẽ càng tốt, nhưng ở đây anh nghĩ cái em nhắm tới là kĩ sư phần mềm thì những cái đó không quan trọng lắm. Trừ khi em muốn vào mảng nghiên cứu của các công ty này (đòi hỏi sẽ cần phải đầu tư nhiều hơn về mặt kiến thức chuyên môn)
Tiếng Anh:
Có lẽ đây là điều quan trọng nhất nếu em muốn làm cho công ty nước ngoài, các em không được coi thường vấn đề này nếu không muốn sau này bị thất bại tức tưởi vì không biết đứa phỏng vấn mình đang nói cái gì ) Tốt nhất là từ năm 2 đại học nên dành thời gian để học tiếng Anh giao tiếp là vừa, sớm hơn thì từ thời phổ thông học luôn cũng được. Cái quan trọng là em cần nói và nghe tốt, không cần TOEFL hay IELTS gì, chỉ cần em nói người ta hiểu, người ta nói em hiểu là ok.
Kĩ năng mềm:
Kĩ năng mềm ở đây có lẽ là kĩ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Cái này không quan trọng lắm nhưng các em nên có để khi nói chuyện và làm việc được tốt hơn, khi các em có những kĩ năng này thì sẽ la một lợi thế cho con đường làm việc của mình. Nhiều người cả đời xem thường việc học kĩ năng mềm nhưng khi họ làm việc thì họ đã tự luyện những kĩ năng mềm cho bản thân mình lúc nào mà không hay.
Ví dụ như em muốn đề xuất một ý tưởng mới cho mọi người trong team, nếu em có khả năng ăn nói và thuyết trình tốt thì sẽ có cơ hội thuyết phục mọi người hơn, còn ngược lại em sẽ chỉ mãi là một người chậm thăng tiến trong công ty.
Có một người bạn nói với anh rằng trong công ty thường có 2 loại người: winner và loser. Winner là những người có thể không giỏi chuyên môn cho lắm nhưng biết cách ăn nói và được sự ủng hộ của mọi người. Họ sẽ không ngừng học hỏi dù không giỏi bằng người khác, sẽ không ngừng cố gắng để thăng tiến hơn trong công ty rồi sẽ có ngày họ thành những người rất giỏi. Loser là những người có thể rất giỏi về kiến thức lúc mới vào làm nhưng không có khả năng giao tiếp, xa lánh mọi người, ai giao gì làm nấy và không có khả năng teamwork. Những người như vậy dù giỏi nhưng sẽ mãi là loser, chỉ làm những thứ vớ vẩn, không thể nào thành công được. Rồi sẽ có ngày họ bị người khác vượt mặt. Đó là câu chuyện tham khảo thôi, các em có tin hay không thì tùy :3
6. Anh cảm thấy công việc và môi trường làm việc ở Google như thế nào so với những nơi khác, đặc biệt là ở Việt Nam?
Tất nhiên ở Google là một trong những nơi tốt nhất để làm việc. Anh chưa làm hết tất cả các nơi ở Việt Nam nên cũng không thể đưa ra so sánh với các công ty ở Việt Nam được. Mặc dù vậy thì cũng tùy người, có thể có những người thích làm việc, đam mê với công việc thì làm ở đâu cũng được, miễn là họ được làm những cái mà họ thích và không phải vướng bận gì tới việc cơm áo gạo tiền. Ở Việt Nam thì cũng không thiếu những nơi như vậy.
Môi trường làm việc là quan trọng nhưng cái quan trọng nhất là điều mà em muốn làm, mục tiêu mà em muốn hướng tới. Đối với anh thì thật ra Google không phải là một nơi phù hợp nhất với anh, chỉ là nơi mà anh từng mong muốn được đến và làm việc vào lúc anh còn đang là học sinh lớp 10 mới bắt đầu học Tin học thôi
Tuy nhiên thì Google, Facebook cũng là những mục tiêu rất tốt để các em đặt ra cho tương lai của mình lúc bấy giờ, tùy vào khả năng của các em, tùy vào sự cố gắng của các em mà mục tiêu đó có thể thay đổi hoặc không. Chúc cho các em sẽ thành công trên con đường chinh phục đam mê IT của mình